NGHIÊN CỨU BẰNG THÔNG NHÃN

Nghiên Cứu bằng Thông Nhãn

 

Năm 1956 - 1958 các khoa học gia ở New Zealand cùng ông Hodson làm một số thí nghiệm và nghiên cứu khoa học. Bài tường trình dài cả trăm trang rất thú vị, ta không có chỗ nên chỉ xin ghi vắn tắt vài điều ở đây. Nếu có thể bạn nên tìm đọc trọn bản này.
Cách Quan Sát (theo lời ông)
Để thấy vào trong một chất liệu, thể đặc hay lỏng, và quan sát rồi mô tả hạt nguyên tử trong đó tạo nên chất liệu ấy, tôi phải sắp xếp đặt vật ở một chỗ ngay trước trán, ngang với hai mắt và cách xa chỉ 10 - 15 cm. Rồi khi ấy tôi chủ ý mở huyệt ajna giữa trán và cho phóng ra một ống bằng chất ether; tôi phải làm cho ống xuyên qua thủy tinh (thành của hộp chứa vật) đi vào bên trong vật. Tất cả những động tác này đòi hỏi tôi phải có nhiều sức mạnh ý chí và tư tưởng.
(Nói rõ hơn thì giống như kính hiển vi, ống này có thể phóng đại thể sinh lực của vật vô tận, nhưng không như kính người ta phải dùng ý chí để giữ cho ống tiếp xúc với vật được quan sát, đòi hỏi sức chú tâm và chẳng những vậy, mức phóng đại không được điều chỉnh gọn gàng bằng nút vặn, mà người nghiên cứu phải học cách nhận biết mình làm việc ở mức nào, và làm chủ sức chú ý của mình.)
Rồi tôi đẩy cái ống vào trong và giống như kính tiềm vọng của tầu ngầm, nhìn ngang nhìn dọc mà nếu thành công sau khi ráng sức nhiều và chú tâm rất mực, tôi thấy được một dạng nguyên tử qua ống. Tôi phải dùng một lượng lớn năng lực cả thể chất lẫn tâm linh cho loại công việc này. Nó rất khó, hết sức cực nhọc. So sánh thì nhìn vào một luân xa là chuyện tương đối dễ hơn, tôi chỉ cần nhắm mắt, trụ vào cõi trung giới thí dụ vậy, và bởi đây là chuyện quen thuộc thường làm, tôi sẽ nhìn trọn thể tình cảm như là một hình tổng quát.
Làm vậy không cần phải gắng sức nhiều, giống như để ấn tượng in vào trí tôi hơn là chủ ý hướng ra ngoài, và rồi biết là mình đang nhìn, khi ấy tôi sẽ hướng vào huyệt muốn quan sát, chuyện không đòi hỏi phải gắng sức lực thể chất chút nào.
Một khác biệt nữa giữa việc dùng thông nhãn bình thường, như là khi nhìn vào thể tình cảm hay người đã khuất, hay hiện tượng ở cõi trung giới, so với việc nhìn vào hạt nguyên tử, là ba việc đầu có thể tự nhiên thấy không cần tìm kiếm, và tự nhiên tới. Chuyện không lạ chút nào cho tôi khi không cần phải nỗ lực chi hết, và cũng không nghĩ gì tới đương sự, thì đột nhiên thấy có sự hiện diện của ai đó trong phòng, hay khi ở ngoài trời thì thấy có một sự hiện diện gần tôi. Một Deva - thiên thần sẽ chạm vào tôi, hay khi đang nói chuyện với ai đó và thình lình tôi thấy thể sinh lực bung ra quanh đầu và vai, và nghĩ thầm ‘Mạnh mẽ quá !’
Hay, trong trường hợp của người tiến hóa xa, dù không nhìn vào họ chút nào tôi sẽ bất ngờ thấy một luân xa của họ hết sức rực rỡ, thí dụ huyệt tim, mà không cần nỗ lực chi cả; tôi gọi đó là thông nhãn bất ngờ. Ta không có chuyện ấy khi quan sát hạt nguyên tử bằng thông nhãn; tôi chỉ làm được vậy với nỗ lực thật lớn lao.
Lỗi Lầm
Lỗi lầm khi quan sát bằng thông nhãn xẩy ra, do sự kiện hạt nguyên tử được mô tả là có chuyển động phức tạp và mạnh mẽ không ngừng, ta phải dùng ý chí làm chúng đứng yên trước khi có thể xem xét chi tiết. Chính hành động này có thể làm thay đổi tính chất riêng của hạt nguyên tử mà ta muốn quan sát. Ông Hodson nói:
– Tôi không ý thức là có nỗ lực để làm chuyển động đứng lại. Đối với tôi có vẻ như dụng cụ quan sát (tức thông nhãn của ông) tự điều chỉnh sao đó với chuyển động, nên kết quả trong trí người quan sát là tựa như vật đứng yên. Đôi lúc thí dụ khi tôi nhìn vào nguyên tử carbon, chúng lắc lư từ bên này sang bên kia, và có khi tôi có cảm tưởng là chúng xoay tròn, nhưng khi tập trung tư tưởng để điều chỉnh khả năng quan sát của mình với vật, mà không phải là chặn nguyên tử không cho xoay nữa, tôi khiến được vật ngưng lại, đứng yên; nhưng tôi phải nói là không hề cố gắng làm hạt nguyên tử đứng yên. Tôi điều chỉnh mình với nó rồi nguyên tử thấy như đứng yên đối với tôi.
Thuốc Tê
Họ chích thuốc tê vào một ngón tay và ông quan sát tác động của thuốc tê đối với thể sinh lực:
– Khi nhấn ống kim chích thuốc, có một vòng thành hình ngay lập tức bên ngoài ngón tay; vòng là hình vành khăn và phần đường kính của vành khăn là chừng 3 mm, nay vòng thành hình một cái đĩa. Nó là chất ether bị ép chặt lại. Chất ether bình thường mầu tím - xám nhạt nay gần như thành chất liệu cứng có mầu trắng cứng. Cái đĩa lớn dần ra ngoài và càng lúc càng đậm đặc, giờ nó lớn theo cả hai chiều. Nó làm ngưng lại sinh hoạt bên trong ngón tay, hay có lẽ không làm ngưng mà làm giảm.
Nay tôi thấy dễ hơn luồng máu chảy, rất là hiển hiện. Chất liệu ether bao quanh ngón tay hóa cứng và hóa trắng nay kéo ra rất nhiều gần như tới đầu ngón, và kéo vào trong dọc theo bàn tay. Nó chưa lan tới đầu ngón tay. Một phần của đầu ngón tay vẫn còn cảm ứng chưa bị tê, nhưng việc chất ether bị thuốc tê làm cứng có tác dụng là ngăn chặn luồng năng lực cảm giác truyền đi; không chặn hết mà chỉ giảm bớt lại.
Bây giờ phần ether của mô bị tê không có hình vòng nữa, nó lan gần như tới cổ tay. Phần ether của bàn tay trông gần như là chết rồi, mầu trắng và chết, và bớt liên kết chặt chẽ với mô mà gần như là muốn rớt xuống. Chuyện chưa hết hẳn, mà vẫn còn động lực của thần kinh truyền đi, tuy không đủ để cho cảm giác. Ở vùng bị tê, hoạt động của prana bị giảm bớt thật nhiều nhưng không bị chặn hoàn toàn, khiến hoạt động của prana bị giảm xuống bên trong đường dây thần kinh và các tế bao.
So sánh thì bàn tay phải không có thuốc tê có hoạt động của prana rất là mạnh mẽ, sống động; ngược lại bàn tay trái có thuốc tê thì lượng prana đi vào tới mạng lưới của thể sinh lực, bao quanh dây thần kinh và mạch máu, bị giảm thiểu lớn lao bên dưới cổ tay, luôn cả những ngón khác của tay trái. Vùng có cảm giác bình thường cũng có lượng prana đi tới bị giảm phần nào.
Tôi nghĩ ấy là do việc chất ether hóa đặc cứng, nó chặn lại sự cung cấp những bầu prana, hay bầu sinh lực. Tôi thấy có vẻ như tác động của thuốc tê là làm đông cứng thể sinh lực, rồi ngăn sự tuôn chẩy của prana tới vùng bị tê, hơn là ngăn lực điện từ chảy giữa não và dây thần kinh cảm giác. Việc ngăn chặn hành động thiết yếu thì cũng quan trọng ngang với sự tuôn chẩy của luồng năng lực tới dây thần kinh cảm giác.
Tôi thấy ảnh hưởng chính dường như là tình trạng sinh động và các phản ứng hóa học bên trong tế bào bị trì trệ, chậm lụt. Tế bào thấy mất prana, những chuyển động tới lui bên trong tế bào chất (Brownian movement) mà tôi luôn luôn thấy diễn ra trong tế bào như rất nhiều chấm sáng li ti, tất cả sinh hoạt trong tế bào vật chất bị giảm thiểu tới mức gần như biến mất hẳn, tuy chưa phải vậy.
Một lúc sau khi bắt đầu giã thuốc, ông quan sát trở lại ngón tay có chích thuốc tê:
– Tôi thấy ngay là luồng năng lực đã tái tạo đáng kể, luồng năng lực thần kinh đã được phục hồi trở lại bình thường. Vùng mà chất ether hóa đông cứng, hóa trắng nay bung ra như cũ, sống động trở lại. Có một điều không thấy trước đây mà nay tôi mới thấy, là có nhiều đường khác để liên lạc, nghĩa là nếu đường lực bị chặn ở khúc nào đó thì nó sẽ đi vòng, có những đường kinh khác và nó sẽ chảy theo đó.
Nay tôi thấy có vẻ là dòng chảy đang trở về lượng bình thường của nó. Chỗ này bị chặn. Nặng ở đây. Lượng đi vào bị giảm đi, giống như có viên đạn xuyên qua tấm khiên và viên khác không qua được. Nên tôi nghĩ sự việc sinh ra lý thuyết nói rằng thuốc tê loại này làm đậm đặc thể sinh lực, và tạo thành như là một hàng rào ngăn lực của thần kinh cảm giác.
Hoạt động của prana chậm chạp có trở lại, nhất là ở da. Nguyên tắc có vẻ là năng lực thần kinh bị chặn lại có khuynh hướng thoát ra khỏi vỏ bọc của nó và tìm lối chảy khác. Ở chỗ này có một đường rẽ bắn vọt ra. Tôi thấy có một lóe sáng rồi có lẽ là năng lực bị dồn ứ nay theo lối ấy đi vòng. Bất kể có dây thần kinh ở đó hay không, đường prana tìm đường đi vòng qua đó.
So sánh việc này với các tế bào, với sự thay đổi của lượng prana đi vào bên trong trọn vùng bị tê, thì tôi thấy như đã nói trước đây là tế bào không còn hoạt động gì về prana, giống như lả ra mềm nhũn không sinh động. Tôi chỉ có thể dùng chữ là đông lại, frozen, không theo nghĩa nhiệt độ cao thấp. Tôi cảm thấy làm như trọn cơ thể, hay đúng hơn là tinh linh của cơ thể, cố gắng tái tạo càng mau càng tốt theo sức của nó. Và từ thân tuôn ra một ảnh hưởng, đây là gì nhỉ, giả dụ ta xem đó như là bản năng, là sự cảm biết. Nó hiểu một cách mù mờ là có gì không ổn ở đó (ngón tay), chính yếu là có dạng như là sự ngăn chặn, và nó cung cấp thêm prana cùng những lực khác mà nó có để tìm cách thấm vào từ đầu này.
Nó không thích tình trạng này, không thích phần bị chết này của cơ thể, do bản năng nó khắc kỵ với chuyện ấy, với việc có cảm giác mù mờ ở bất cứ phần nào của cơ thể. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói.
Khi quan sát ngón tay ở những cảnh ether, ta thấy dây thần kinh cảm giác của ngón tay là đường kinh chính cho dòng prana chảy mau lẹ dọc theo bên trong dây, bên trong vỏ bọc và luôn cả bên ngoài dây. Dòng bên trong thì rõ ràng, đi thẳng và truyền đi khá mau. Phần kia là prana bên ngoài dây thì phân tán và lan rộng. Từ dòng chính ở trong ngón có nhiều nhánh đâm ra, và tất cả đều là những dòng prana. Vài dòng túa ngay ra các bề bên ngoài của da, thẳng góc với bề mặt của da khắp cơ thể, tức phần prana dư trội; nhiều prana chảy ra từ khớp giữa của ngón tay, và lượng nhiều hơn nữa đi ra ở đầu ngón.
Làm như việc ấy tạo nên một từ trường prana với các bầu prana - sinh lực tung tóe quanh trọn ngón, làm nó như thành một nam châm. Dòng prana nói chung chảy từ dây thần kinh tới giữa ngón, và rồi các bầu sinh lực thấy tung tăng bay nhẩy ngay dưới da, cũng như luôn cả bên ngoài ngón. Chúng tiếp tục đi vào ngón tay, độc lập với dòng chính. Như vậy có hai hiện tượng:
– Sự cung cấp prana dọc theo dây thần kinh như đã mô tả, và
– Sự chuyển động của các bầu sinh lực ở bên trong lẫn bên ngoài ngón tay, không bị chi phối bởi việc cung cấp prana đi theo dây thần kinh.
Tế bào da hình như có vai trò bọc kín prana, chúng bao trọn ngón tay, trọn dây thần kinh chính và các nhánh của dây. Rồi lại có một lực hoàn toàn khác, phân biệt hẳn với prana mà tôi cho là lực điện từ. Nó có mặt khắp hết các mô và bung ra, đem theo với nó nhiều prana không được dùng đi ra ở đầu và quanh ngón, nên ngón tay trông tựa như một phần của cái máy điện từ mà lực từ cánh tay tuôn vào đó, xuống bàn tay xong đi ra ở đầu ngón. Trên đường đi như vậy nó cho năng lực và làm sinh động trọn phần của ngón tay thật mạnh mẽ, túa ra ngoài ở khắp mọi bề của ngón, nhất là qua các khớp và đầu ngón tay.
Móng tay có ít prana mà lại có nhiều lực điện từ hơn, so với những phần khác của ngón ngoại trừ xương.

Xương
Khi xem xét bên trong xương tôi ý thức là có tinh linh làm việc ở đó, tinh linh rất nhỏ bé. Lẽ tự nhiên chúng có ở khắp nơi trong cơ thể, làm việc với chất liệu; trí tôi vẽ ra hình ảnh không chính xác, xem chúng như là đang đóng gói, cất giữ chất liệu bên trong một đường hầm, là một cách nói dùng biểu tượng mô tả việc gì xẩy ra ở xương.
Ảnh Hưởng Ngoại Giới
Điều tôi sắp nói đây khó mà được khoa học thuần vật chất chấp nhận. Tôi cảm thấy là mình rất cảm thụ với ảnh hưởng của mặt trăng, các hành tinh, tinh tú và sự tương tác của chúng với nhau. … ngày đầu của tuần trăng (tức thượng tuần lúc trăng lưỡi liềm đầy dần tới rằm) cho ảnh hưởng rất rõ, nói chung vào lúc ấy khả năng thông nhãn làm việc dễ dàng.
Các ảnh hưởng bên ngoài trái đất như từ các hành tinh, mặt trời, các chòm sao trên đường hoàng đạo cũng chi phối nghiên cứu loại này. Chúng tác động lên hệ thần kinh, thể sinh lực, luồng kundalini và vào những tuyến trên đầu. Chúng cũng chi phối các luân xa, và cách linh hồn điều khiển tâm thức được dễ dàng ra sao nói chung, và việc dùng thông nhãn.
Trong khi ta có thể khắc phục bất cứ ảnh hưởng bất lợi nào của chiêm tinh học, những yếu tố thuận lợi làm công việc được dễ dàng hơn và có lẽ đạt kết quả nhiều hơn, đặc biệt trong việc đáp ứng với các hệ quả phụ và gián tiếp nhưng đôi khi là với các hiện tượng quan trọng. Tự nhiên là các điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, nhưng công việc hay nhất nhiều phần làm được lúc trăng ở thượng tuần.
Tôi cũng nghĩ rằng phòng thí nghiệm lý tưởng cho việc quan sát hóa học huyền bí bằng thông nhãn nên là:
– Phòng cách âm xây bằng chất liệu có phóng xạ ít nhất của lực, tức chất liệu có tính trơ - inert nhiều nhất.
– Phòng nên xây ở chỗ mà tư tưởng, cảm xúc và những điều khác do của ta phát ra, ngoại trừ ai làm việc nghiên cứu, không tới được người quan sát.
– Phòng được cô lập với hết mọi ảnh hưởng, xáo trộn từ bên ngoài; lý tưởng là tránh tác động của những lực có tính gây sai lạc.
Các điều này trên thực tế không thể làm được, nhưng đó là cách để người nghiên cứu không phải mất nhiều thì giờ, năng lực và lực tâm linh cần cho việc làm của mình để cô lập họ, và ngăn chặn tất cả những lực từ bên ngoài.
Thí dụ là chung quanh tôi có đầy những sách, nhiều cuốn là tác phẩm rất đáng kể, nội dung thâm thúy cao siêu v.v., tất cả sách đều phát ra bức xạ mạnh mẽ vào tôi từ mỗi kệ sách bên phải của tôi, rồi dòng điện chạy trong phòng dọc theo dây tới máy móc của chúng ta. Tuy ta có thể làm ngơ những điều này, và khi chót hết ta có thể chú tâm được vào vật bằng thông nhãn thì cũng xong, nhưng chuyện sẽ tuyệt vời nếu ta cô lập được với những điều này.
Lịch Sử của Vật
Khi nhìn vào một viên kim cương, tôi thấy hình ảnh tuy không có liên hệ với việc nghiên cứu khoa học mà liên quan đến chính vật, đó là thiên ảnh ký về vật cho hình rất rõ, có một người thợ ngồi ở bàn đang mê mải làm việc, chốc chốc ngưng lại để dùng kính phóng đại xem xét. Sức mạnh tư tưởng, sự mải mê chăm chú rất mạnh và sự hiện diện của ông đều thấy rõ, làm như hiển hiện; sao đi nữa chúng hiện ra cho tôi thấy rõ ràng, khi tôi ráng giới hạn tâm trí vào hình ảnh của viên kim cương ở cảnh ether thứ tư. Có nghĩa trong lúc tôi cố ý chỉ nhìn vào bên ngoài, thì hình ảnh người này với tất cả những điều khác có đó trong không, giống như phim ba chiều được thu lại rất nhỏ chiếu liên tục, trọn hết chung quanh vật. Rất đáng nói.
Cũng về quan sát bằng thông nhãn, có thắc mắc là khi ngủ mỗi ai sang cõi trung giới đều được nối với thể xác đang ngủ bằng một sợi dây bạc, như vậy phải chăng ở cõi trung giới là một bó rối nùi bao nhiêu sợi dây bạc vấn vít nhau hay chăng ?! Ông Hodson cười và nói không phải thế, mỗi lần muốn tìm ai thì ông chỉ thấy sợi dây bạc của họ mà thôi. Có gợi ý là không chừng sự việc giống như tia sáng, nhiều tia có thể hiện diện cùng lúc, đụng đầu băng qua đường của nhau mà không vướng mắc hay gây cản trở gì cho nhau.

Geese